Đóng

Thông tin sức khoẻ

Xet-nghiem-corona-1

corona, covid, khang dinh, lay mau, pcr, sang loc, v-lab, Xét nghiệm

Cập nhật các xét nghiệm chẩn đoán Coronavirus

Kể từ nơi bắt đầu là Vũ Hán, tình hình nhiễm Coronavirus đã lan rộng ra nhiều nước trên thế giới. Trước tình hình đó, WHO cũng đã công bố tình trạng đại dịch toàn cầu.

Triệu chứng nhiễm Coronavirus gần giống với nhiễm cúm mùa thông thường, hay triệu chứng nhiễm siêu vi chung, do đó rất khó để chẩn đoán xác định. Hiện nay, xét nghiệm vẫn là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhanh các loại xét nghiệm chẩn đoán Coronavirus hiện đang được thực hiện nhé.

Làm sao để xác định nhiễm Coronavirus?

Hiện tại, để chẩn đoán nhiễm Coronavirus cần thực hiện xét nghiệm tìm chuỗi di truyền đặc trưng của virus này có trong mẫu phết vùng mũi – họng.

Lấy mẫu xét nghiệm như thế nào?

Sử dụng một que tăm bông chuyên dụng vô trùng (nhỏ hơn 1/3 que tăm bông ngoáy tai) và đưa vào lỗ mũi ngoáy 1-2 vòng, hoặc người bệnh há miệng và phết vào vùng họng, sau đó gởi đến phòng xét nghiệm.

Nếu bạn ho ra đàm thì mẫu đàm sẽ cho kết quả tin cậy hơn so với phết vùng hầu họng.

Xet-nghiem-corona-1

Nguồn: Reuters

Còn máu hoặc nước tiểu hoặc phân thì sao?

Virus chỉ được phát hiện trong máu, nước tiểu hoặc phân của khoảng một nửa những người có kết quả xét nghiệm dương tính khi lấy mẫu vùng mũi – cổ họng, vì vậy xét nghiệm tìm Coronavirus trong máu, nước tiểu và phân không đáng tin cậy.

Mất bao lâu để có kết quả?

Hầu hết các phòng thí nghiệm sử dụng một phương pháp gọi là phản ứng chuỗi polymerase (PCR) để tìm chuỗi di truyền đặc hiệu của Coronavirus. Với phương pháp này phải mất trung bình 4-6 giờ/1 test. Nếu xử lý nhiều mẫu cùng 1 lúc thì thời gian sẽ phải lâu hơn. Hiện tại ở Việt Nam, khoảng 24h sẽ có kết quả.

Độ chính xác của xét nghiệm PCR này như thế nào?

Về lý thuyết, các xét nghiệm tìm chuỗi di truyền đặc hiệu của Coronavirus bằng (PCR) cực kỳ chính xác nếu được thực hiện đúng cách. Tuy nhiên, đã có báo cáo từ Trung Quốc về những sai sót như “Âm tính giả” và “Dương tính giả”. Điều này có thể là do việc lấy mẫu xét nghiệm (phết mũi-họng) thực hiện chưa chính xác, bảo quản mẫu không tốt hoặc do các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm làm việc quá sức có thể gây ra các sai sót.

Ngoài ra, nếu 1 người được xét nghiệm quá sớm sau khi bị nhiễm Coronavirus thì chưa thể phát hiện được virus trong cơ thể, do đó thường các bác sĩ sẽ cho thực hiện lại 2-3 lần nếu có nghi ngờ nhiễm.

Tôi nghe thông tin trên Internet là có xét nghiệm nhanh, trong vòng 15 phút có kết quả, vậy họ thực hiện như thế nào?

Một số nhóm trên thế giới, đang phát triển các xét nghiệm di truyền nhanh hơn, thường dựa trên một phương pháp gọi là khuếch đại đẳng nhiệt trung gian vòng (LAMP). Với kĩ thuật này sẽ tìm được chuỗi di truyền đặc hiệu của Coronavirus nhanh hơn so với PCR. Và xét nghiệm này chỉ mất khoảng 30 phút để cho ra kết quả. Vì đây là kĩ thuật mới nên cần kiểm chứng và phải mất thời gian để sản xuất hàng loạt. Do đó kĩ thuật này có thể triển khai tại các nước phương Tây trong vòng 2 – 3 tuần tới. Và với kĩ thuật này có thể triển khai lắp đặt tại các sân bay, nhà ga, các địa điểm sàng lọc di động.

Ngoài ra, về xét nghiệm nhanh đã áp dụng tại Hàn Quốc là xét nghiệm tìm kháng thể đặc hiệu chống lại Coronavirus được cơ thể ta sản xuất ra khi bị nhiễm bệnh. Xét nghiệm này tìm IgM/IgG trong máu. Các bạn hình dung nếu phương pháp PCR là có thể bắt đúng “con hổ” thì xét nghiệm tìm kháng thể trong máu giống như tìm thấy “vết chân hổ” vậy đó.

Nhược điểm của xét nghiệm kháng thể là có thể không phát hiện được tình trạng nhiễm Coronavirus trong hai tuần đầu hoặc lâu hơn (giai đoạn này lây lan rất nhiều). Tuy nhiên, cơ thể chúng ta tiếp tục tạo ra các kháng thể ngay cả sau khi chúng ta đã hồi phục sau khi bị nhiễm Coronavirus, do đó, việc xét nghiệm máu người để tìm kháng thể chống lại coronavirus sẽ cho thấy có bao nhiêu người trong chúng ta đã bị nhiễm bệnh cho đến nay.

Xét nghiệm kháng thể có thể phân biệt giữa những người đã hồi phục và những người vẫn còn bị nhiễm bệnh?

Có thể. Cơ thể bắt đầu sản xuất cái gọi là kháng thể IgM chống lại Coronavirus khoảng 3-10 ngày sau khi nhiễm (có thể có trường hợp lên đến 15 ngày sau khi nhiễm bệnh). Và IgM biến mất vào khoảng 21 ngày sau nhiễm Coronavirus. Và 14-15 ngày sau khi bị nhiễm cơ thể họ bắt đầu tạo kháng thể IgG. Nồng độ IgG sẽ tăng cao trong giai đoạn hồi phục, thường sau 28 ngày.

Để cho mọi người dễ hiểu nếu xét nghiệm máu thấy IgM thì người này đang nhiễm trong giai đoạn cấp tính (3-14 ngày). Nếu xét nghiệm thấy IgG thì thường là giai đoạn phục hồi. Nếu vừa xuất hiện cả IgM và IgG thì thường ở giai đoạn giữa (giai đoạn 14-21 ngày).

Làm thế nào để biết kết quả test nhanh này chính xác?

Hiện tại chúng tôi vẫn chưa biết. Nhiều công ty đang sản xuất các xét nghiệm khác nhau và đang được kiểm tra độc lập. Các xét nghiệm nhanh có thể đóng một vai trò có giá trị, đặc biệt là ở các nước nghèo với khả năng hạn chế thực hiện PCR hoặc trong giai đoạn bùng nổ dịch như hiện nay thì xét nghiệm nhanh có giá trị tầm soát cộng đồng và tránh sự lây nhiễm. Nhưng xét nghiệm nhanh tìm kháng thể không thể thay thế cho xét nghiệm PCR.

Tình hình xét nghiệm tại Việt Nam

Theo thông báo hướng dẫn từ Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam đang sử dụng phương pháp PCR để xác định người nhiễm bệnh.

Các phương pháp test nhanh hiện đang có chiến lược để dùng cho xét nghiệm sàng lọc, nhất là trong thời gian tới khi dịch bệnh bùng phát nhanh.

BS CK1 Nguyễn Ngọc Phương Nam

Tài liêu tham khảo:

1) https://www.newscientist.com/article/2238477-how-does-coronavirus-testing-work-and-will-we-have-a-home-test-soon/

2) https://www.who.int/publications-detail/laboratory-testing-for-2019-novel-coronavirus-in-suspected-human-cases-20200117


Trung tâm Xét nghiệm Y khoa V-LAB
550 Lý Thái Tổ, Phường 10, Quận 10, TP.HCM
Hotline: 0968 444 499
Website: www.v-lab.vn

Chat Facebook
  • Chào bạn!

  • Bạn cần chúng tôi tư vấn hoặc hỗ trợ thông tin gì ạ?

  • Chat ngay