Một số công nghệ đột phá trong y học
Từ lâu, việc tìm ra giải pháp nhằm mang lại ánh sáng cho những người mắc bệnh khiếm thị luôn thôi thúc các nhà khoa học. Tại Viện Mắt Moorfield,London, Anh, một ca phẫu thuật cấy ghép thành công mắt sinh học kèm theo các thiết bị điện tử vừa mang lại một bước đột phá mới. Sự thành công của việc thay thế mắt sinh học này đã giúp mang lại hy vọng cho nhiều bệnh nhân bị khiếm thị bẩm sinh, đồng thời được đánh giá là một sự tiến bộ vượt bậc của y học hiện đại.
Sau khi áp dụng phương pháp cấy ghép mắt sinh học, những tín hiệu đầu tiên đã cho thấy: đôi mắt của bệnh nhân có khả năng phục hồi trở lại. Sau khi ghép mắt sinh học, các bác sĩ đã gắn một chiếc camera và một thiết bị xử lý hình ảnh nhỏ bên trong một chiếc kính đeo mắt của bệnh nhân. Hệ thống camera và thiết bị này cho phép xử lý và tiếp nhận những hình ảnh xung quanh, sau đó, chuyển thành dữ liệu và qua một đường cáp nhỏ nối liền với một mạng điện cực được đặt ở võng mạc mắt. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ cũng đã tạo ra trên võng mạc mắt một lớp các tế bào đặc biệt có khả năng tiếp nhận những tia sáng và những hình ảnh khi chúng đi tới mắt.
Khi những điện cực được kích thích, chúng sẽ gửi thông tin dọc theo dây thần kinh thị giác và đi tới não. Tại khu vực não chức năng, những điểm sáng, tối của hình ảnh sẽ được nhận biết tuỳ theo mức độ các điện cực được kích thích.
Cơ nhân tạo giúp lấy lại khả năng thị giác
Các bác sĩ phẫu thuật thuộc Trung tâm Y tế UC Davis, California, Mỹ mới đây vừa đưa vào ứng dụng thành công một phương pháp mới giúp người khiếm thị có thể lấy lại chức năng thị giác. Phương pháp mới được sử dụng trong phẫu thuật là việc cấy một loại cơ nhân tạo với khả năng giúp người mù phân tích hình ảnh.
Hệ thống cơ nhân tạo được ứng dụng một công nghệ đặc biệt, gồm các điện cực bằng chì và silicon plymer cho phép tiếp nhận và truyền tín hiệu lên não giúp phân tích tín hiệu thu được từ mắt thành các hình ảnh tương ứng. Đối với những người bị mất thị lực do bị đột qụy, cơ nhân tạo với hệ thống các sợi bao quanh mắt còn giúp người bệnh điều khiển tầm nhìn của mắt, cũng như khả năng kiểm soát các hoạt động trên khuôn mặt. Các ốc vít bằng chất liệu titan sẽ giúp cố định các sợi cơ nhân tạo này với phần xương quanh mắt. Tỷ lệ thành công của việc cấy ghép cơ nhân tạo có thể đạt tới 90%.
Với thành công này, giới khoa học tin rằng sẽ giúp lấy lại ánh sáng cho hàng nghìn bệnh nhân bị mất khả năng thị giác do hệ quả của bệnh đột quị, các chấn thương vùng đầu, chấn thương dây thần kinh…
Phẫu thuật não bộ bằng sóng siêu âm
Tại Thụy Sĩ, các chuyên gia phẫu thuật hàng đầu nước này đã thử nghiệm thành công và đưa vào ứng dụng phương pháp phẫu thuật não bộ mới, đó là phẫu thuật bằng sóng siêu âm.
Theo các chuyên gia phẫu thuật, thì phương pháp mới có thể giúp các bác sĩ tiến hành phẫu thuật từng chi tiết sâu bên trong não mà không hề động chạm hoặc gây tổn hại gì đến phần xương sọ hay phần da bên ngoài giống như những phương pháp phẫu thuật thông thường hiện đang được áp dụng. Song, điều quan trọng nhất là yếu tố chính xác và mức độ an toàn của phương pháp mới được đánh giá rất cao. Hiện các bác sĩ đã phẫu thuật cho 9 bệnh nhân bị mắc chứng đau do suy nhược não mạn tính (chronic debilitating pain).
Trong khi các phương pháp truyền thống thường gây tổn thương hoặc phá hỏng một phần của vùng não Thalamus (là phần não chức năng kiểm soát hoạt động truyền tín hiệu giữa các khu vực khác trong não). Trong quá trình phẫu thuật bằng sóng âm, vùng não cần được phẫu thuật sẽ được tác động bởi năng lượng sóng âm và tự bị nóng lên. Nhiệt độ ở những tế bào não bị tác động này có thể lên tới 54,5oC và tự bị chết đi. Toàn bộ quá trình tác động bằng sóng âm lên vùng não bị bệnh sẽ được kết hợp với hình ảnh thu được do phương pháp quét cộng hưởng từ trường.
Điều này sẽ cho phép các bác sĩ phẫu thuật xác định chính xác khu vực não cần phẫu thuật, dù chỉ với kích thước rất nhỏ như một hạt gạo. Hình ảnh các vùng não và sự thay đổi màu sắc các vùng não hiển thị trên màn hình sẽ đồng thời thông báo cho các bác sĩ xác định được đâu là vùng nhiệt độ đang tăng lên trong não và giúp họ kiểm soát được quá trình phẫu thuật không để xảy ra sai sót.
Công nghệ Nano tạo bước tiến mới trong y học
Mới đây, nhóm các nhà khoa học Canada vừa phát triển thành công dụng cụ y học ứng dụng công nghệ Nano có tên gọi “magic bullets” – viên đạn thần kỳ. Sản phẩm này mở ra hướng điều trị mới hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Thông qua dụng cụ đặc biệt được ví như viên thuốc Nano này, thuốc sẽ được đưa đến từng tế bào trong cơ thể người bệnh.
Viên thuốc Nano có kích thước dài khoảng 20.000 nanometres (tương đương kích cỡ đường kính của một sợi tóc), bên trong có đầu cảm biến giúp điều chỉnh hướng đi, trên đầu tiếp xúc của các viên đạn Nano có các mạng lỗ mỏng li ti nhằm giải phóng các phân tử thuốc tại các vùng cần đặc trị.
Theo các nhà khoa học, một trong những ứng dụng hứa hẹn mang lại hiệu quả điều trị nhất là ứng dụng trong điều trị bệnh ung thư. Các bác sĩ có thể sử dụng viên đạn Nano để đưa thuốc điều trị tới từng tế bào ung thư một cách chính xác và hiệu quả.